Cơ quan Năng lượng Quốc tế: Kỷ nguyên hạt nhân mở ra

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) mới công bố báo cáo cho thấy, điện hạt nhân sẽ có nhiều tiềm năng phát triển trong tương lai gần.

 
Sự hồi sinh của năng lượng hạt nhân có tiềm năng mở ra một kỷ nguyên mới. Ảnh: Itellinews.
Sự hồi sinh của năng lượng hạt nhân có tiềm năng mở ra một kỷ nguyên mới. Ảnh: Itellinews.

Kỷ nguyên mới của năng lượng hạt nhân

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) ngày 16/1, năng lượng hạt nhân dự kiến sẽ đạt kỷ lục mới vào năm 2025 và có thể cải thiện an ninh năng lượng khi nhu cầu điện gia tăng. Các vấn đề về chi phí, vượt tiến độ và tài chính cần phải được giải quyết.

Báo cáo mới của IEA cho biết, sự hồi sinh của năng lượng hạt nhân có tiềm năng mở ra một kỷ nguyên mới cho nguồn năng lượng an toàn và sạch khi nhu cầu điện trên toàn cầu tăng mạnh.

Báo cáo có tiêu đề Con đường hướng tới kỷ nguyên mới của năng lượng hạt nhân cho thấy động lực mới cho năng lượng hạt nhân dưới hình thức các chính sách, dự án, đầu tư và những tiến bộ công nghệ, như các lò phản ứng mô-đun nhỏ (SMR).

Báo cáo này cung cấp một đánh giá toàn diện về tình hình hiện tại, chỉ ra các thách thức lớn cần được giải quyết để xây dựng trên nền tảng động lực hiện tại và giúp kỷ nguyên mới này trở thành hiện thực. Điều này bao gồm các phân tích về cách thức tài chính cho các dự án hạt nhân mới trong khi đảm bảo chuỗi cung ứng đáng tin cậy và đa dạng để xây dựng và cung cấp nhiên liệu cho chúng.

Ông Fatih Birol, Giám đốc điều hành IEA, cho biết: "Ngày nay, có thể thấy rõ rằng, sự trở lại mạnh mẽ của năng lượng hạt nhân mà IEA dự báo cách đây vài năm đang diễn ra tốt đẹp, với năng lượng hạt nhân dự kiến sẽ sản xuất mức điện năng kỷ lục vào năm 2025. Bên cạnh đó, hơn 70 gigawatt công suất hạt nhân mới đang được xây dựng trên toàn cầu, là một trong những mức cao nhất trong 30 năm qua. Hơn 40 quốc gia trên thế giới có kế hoạch mở rộng vai trò của hạt nhân trong hệ thống năng lượng của họ.

Các lò phản ứng hạt nhân mô đun nhỏ (SMR) đặc biệt mang lại tiềm năng tăng trưởng. Tuy nhiên, chính phủ và ngành công nghiệp vẫn phải vượt qua một số rào cản đáng kể trên con đường tới kỷ nguyên mới của năng lượng hạt nhân, bắt đầu từ việc hoàn thành các dự án mới đúng hạn và phù hợp với ngân sách, liên quan đến tài chính và chuỗi cung ứng".

Là nguồn điện ít phát thải lớn thứ hai thế giới sau thủy điện, năng lượng hạt nhân hiện nay sản xuất gần 10% nguồn cung điện toàn cầu. Việc sử dụng điện ngày càng tăng để cung cấp năng lượng từ công nghiệp, chống biến đổi khí hậu, đến xe điện và các trung tâm dữ liệu trong bối cảnh sự gia tăng của trí tuệ nhân tạo đang thúc đẩy sự gia tăng mạnh mẽ của nhu cầu điện. Nhu cầu này dự kiến sẽ tăng nhanh gấp 6 lần so với mức tăng trưởng tổng thể của tiêu thụ năng lượng trong những thập kỷ tới dựa trên các chính sách hiện tại.

Do đó, cần có công suất mới từ nhiều công nghệ khác nhau để bắt kịp với sự tăng trưởng nhanh chóng của nhu cầu, bao gồm những công nghệ có thể cung cấp sản lượng ổn định và linh hoạt như năng lượng hạt nhân.

Đa dạng hóa chuỗi cung ứng

Hầu hết các nhà máy điện hạt nhân hiện tại đều nằm ở các nền kinh tế phát triển, nhưng nhiều nhà máy trong số đó đã được xây dựng từ nhiều thập kỷ trước. Trong khi đó, bản đồ năng lượng hạt nhân toàn cầu đang thay đổi, với phần lớn các dự án đang được xây dựng tại Trung Quốc, quốc gia dự kiến sẽ vượt qua cả Mỹ và châu Âu về công suất hạt nhân lắp đặt vào năm 2030. Nga cũng là một “người chơi lớn” trong lĩnh vực công nghệ hạt nhân.

Trong số 52 lò phản ứng đã bắt đầu xây dựng trên toàn cầu từ năm 2017, có 25 lò là thiết kế của Trung Quốc và 23 lò còn lại là thiết kế của Nga. Tương tự, báo cáo cũng chỉ ra rằng sản xuất và làm giàu uranium - nhiên liệu sử dụng trong các lò phản ứng hạt nhân - hiện đang tập trung cao độ.

"Hiện nay, hơn 99% công suất làm giàu uranium diễn ra tại bốn quốc gia cung cấp, trong đó Nga chiếm 40% công suất toàn cầu, là thị phần lớn nhất. Điều này nhấn mạnh sự cần thiết phải đa dạng hóa các chuỗi cung ứng", ông Fatih Birol, Giám đốc điều hành IEA nhận định.

Theo báo cáo của IEA, những đổi mới trong công nghệ hạt nhân đang thúc đẩy động lực cho các dự án mới. Các SMR, một loại nhà máy điện hạt nhân quy mô nhỏ có thời gian xây dựng nhanh hơn và khả năng giảm chi phí lớn hơn, đang thu hút sự quan tâm ngày càng tăng từ các doanh nghiệp.

Báo cáo nêu rõ rằng, việc đưa các SMR vào ứng dụng có thể dẫn đến chi phí tài chính thấp hơn. Với sự hỗ trợ thích hợp, các nhà máy SMR có thể đạt công suất 80 GW vào năm 2040, chiếm 10% tổng công suất hạt nhân toàn cầu. Tuy nhiên, sự thành công của công nghệ này và tốc độ áp dụng sẽ phụ thuộc vào khả năng của ngành công nghiệp trong việc giảm chi phí vào năm 2040 xuống mức tương tự như các dự án thủy điện quy mô lớn và điện gió ngoài khơi.

Một kỷ nguyên mới cho năng lượng hạt nhân sẽ đòi hỏi một khoản đầu tư lớn. Trong kịch bản tăng trưởng nhanh cho năng lượng hạt nhân, đầu tư hàng năm sẽ cần phải gấp đôi, lên tới 120 tỷ USD vào năm 2030.

Với quy mô của các khoản đầu tư cơ sở hạ tầng yêu cầu, việc triển khai các dự án hạt nhân mới không thể chỉ dựa vào tài chính công. Phân tích của IEA cho thấy việc đảm bảo tính dự đoán của dòng tiền trong tương lai là chìa khóa để giảm chi phí tài chính và thu hút vốn tư nhân vào lĩnh vực hạt nhân.

Báo cáo cũng chỉ ra rằng, khu vực tư nhân ngày càng xem năng lượng hạt nhân là một nguồn năng lượng có thể đầu tư, hứa hẹn cung cấp điện ổn định, cạnh tranh và sạch, có thể phục vụ cho các hoạt động tiêu thụ năng lượng cao 24/7. Đặc biệt, các tên tuổi lớn trong ngành công nghệ đang ký kết các hợp đồng mua điện với các nhà phát triển để cung cấp điện cho các trung tâm dữ liệu và trí tuệ nhân tạo.

Để tận dụng các cơ hội mà năng lượng hạt nhân mang lại, các chính phủ cần chuẩn bị cung cấp tầm nhìn chiến lược cùng với các khuôn khổ pháp lý ổn định, giúp khu vực tư nhân tự tin đầu tư. Báo cáo cũng chỉ rõ các ưu đãi và tài chính công có thể mở khóa khoản đầu tư cần thiết để cung cấp nhiều điện sạch và đáng tin cậy hơn từ năng lượng hạt nhân.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế viết tắt là IEA (International Energy Agency). Đây là tổ chức tự trị liên chính phủ có trụ sở tại Paris, Pháp, được thành lập vào năm 1974 trong khuôn khổ của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).

Theo Báo Công Thương